Hard fork hay soft fork là những thuật ngữ xuất hiện kể từ khi sự kiện Bitcoin Cash hard fork, khiến cộng đồng tiền điện tử quan tâm nhiều hơn. Vậy chính xác hard fork là gì, soft fork là gì?

Fork là gì?

Trước khi tìm hiểu đến 2 thuật ngữ Hard fork và soft fork, chúng ta cần điểm qua Fork là gì trước tiên.

Fork là một từ kỹ thuật thường được dùng bởi các nhà phát triển (developers) của Bitcoin nói riêng hay trong giới lập trình nói. Trong lĩnh vực tiền điện tử thì Fork là một hình thức sửa lỗi hoặc nâng cấp bằng cách tạo ra một phiên bản Blockchain mới với những tính năng tốt hơn từ chính Blockchain cũ. Từ đó 2 blockchain này chạy song song trên các phần khác nhau của mạng lưới.

Nói đơn giản hơn thì: Fork giống như bạn copy một bài văn của ai đó, rồi mang về chỉnh sửa lại thì việc làm này là bạn đã “fork” bài văn của họ. Trên thực tế nó giống bài văn trước nhưng nó đã được chỉnh sửa khác đi để trở thành bài văn của bạn.

Fork đại diện cho sự đồng thuận hoặc trong một số trường hợp, đồng thời là sự thay đổi các quy luật cơ bản trong một giao thức đặc biệt. Các giao thức đặc biệt sẽ quy định một số thứ như: dung lượng mỗi Block (khối), phần thưởng đào, phí giao dịch,..

Mỗi khi một đồng tiền điện tử xảy ra fork thường gầy nhiều căng thẳng cho cộng đồng, giá của đồng coin đó sẽ biến động lên xuống nhưng thường là giảm nhiều. Tuy nhiên, nếu đợt fork xảy ra và mọi thứ chạy ổn định thì giá coin sẽ tăng và trở thành cơ hội đầu tư tốt.

Fork được phân loại thành hai loại fork khác nhau là: Hard fork Soft fork.

Hard Fork và Soft Fork là gì? Liệt kê những hard fork “đình đám” nhất lịch sử tiền điện tử

Hard fork là gì?

Hardfork là quá trình tạo ra một phiên bản blockchain hoàn toàn mới, tách biệt khỏi blockchain trước đó và các node chạy ở phiên bản trước đó sẽ không còn được chấp nhận bởi phiên bản mới nhất nữa.

Chương trình bị Fork sẽ không chạy được nếu không cập nhật nó. Ví dụ, có một lỗi (bug) quan trọng trong phần mềm, nếu muốn tiếp tục sử dụng thì cần phải cập nhật phần mềm. Nếu không cập nhật – sẽ không sử dụng được chương trình. Ngoài ra, không có cách nào để đảo ngược một Hard fork ,trừ trường hợp có một số lỗi không mong đợi hay các vấn đề đi kèm. Đó là trường hợp sẽ phải làm thêm một Hard fork để trở về phiên bản cũ.

Hardfork có thể là một tin vui cho nhiều nhà đầu tư, cụ thể là các holder tiền điện tử, những người thường được cấp tài sản trên một chuỗi mới tương ứng với những gì họ có trong chuỗi ban đầu mà không làm mất tài sản của họ trên bản gốc.

Ví dụ: Khi Bitcoin Cash (BCH) thực hiện fork từ Bitcoin (BTC) thì những người nắm giữ BTC sẽ nhận được số lượng BCH tương ứng. Nói cách khác, một đợt hardfork được xem là một đợt nhận “tiền miễn phí”. Đây chính là lý do các nhà đầu tư thích hardfork và đổ tiền vào mua trước khi các đồng coin thực hiện hardfork.

Soft fork là gì?

Softfork là một sự thay đổi đối với các giao thức phần mềm mà không gây xung đột với phiên bản cũ, nó không bắt buộc và cho phép mạng điều chỉnh thêm các tính năng mới trong khi đang xử lý. Trường hợp Soft fork không được như mong muốn, có lỗi hay không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng thì hoàn toàn có thể đảo ngược và trở lại phiên bản cũ.

Tóm lại, Soft fork sẽ giới thiệu một phiên bản cập nhật phần mềm mới cho mạng lưới Blockchain hiện có mà không tạo ra một phiên bản hoàn toàn mới. Điều này dường như làm cho các nhà đầu tư thích hard fork hơn là soft fork, vì hard fork sẽ tạo ra một phiên bản hoàn toàn mới, có nghĩa là họ sẽ nhận được tài sản bổ sung, ở đây chính là coin.

Những sự kiện Hard fork “đình đám” nhất trong lịch sử tiền điện tử

1. Ethereum Classic (ETC) hard fork từ Ethereum (ETH)

Sự kiện hard fork của ETC từ ETH có thể nói là sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sự thị trường tiền điện tử. Vào năm 2016, sau khi quỹ The DAO bị hacker đánh cắp 168 triệu USD thì cộng đồng Ethereum đã bỏ phiếu và đưa ra quyết định thực hiện một “hard fork” để đảo ngược các giao dịch, lấy lại tiền cho các nhà đầu tư trong DAO.

Sau đó, một nhóm người trong cộng đồng ETH không đồng ý với sự thay đổi mã nguồn ETH, họ cho rằng bản chất của Blockchain là không thể thay đổi, và quyết định sử dụng phiên bản cũ, thế nên Ethereum Classic ra đời.

2. Bitcoin Cash (BCH) và Bitcoin Gold (BTG) hard fork từ Bitcoin (BTC)

Bản thân đồng tiền điện tử số 1 thế giới Bitcoin tới thời điểm này đã có rất nhiều “người em”, rất nhiều đồng tiền điện tử đã chia tách ra từ Blockchain của Bitcoin, nhưng nổi bật nhất vẫn là Bitcoin Cash và Bitcoin Gold.

Bitcoin Cash chính thức thực hiện hard fork vào ngày 1/8/2017, thời điểm đó sự kiện này gần như trở thành “tâm điểm” của cả cộng đồng tiền điện tử. Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi, xung đột xảy ra với cộng đồng Bitcoin, nhưng cuối cùng BCH vẫn ra đời. Thời điểm xảy ra hard fork Bitcoin cash, những ai đang giữ đồng BTC trong ví Bitcoin có private key đều được nhận BCH miễn phí với tỷ lệ 1:1. Không lâu sau đó, giá trị của BCH đã tăng vọt và có lúc vốn hóa vượt qua cả Ethereum (ETH), hiện tại BCH đang chiếm vị trí thứ 4 trên coinmarketcap.

Xem thêm: Những máy đào Bitcoin Cash ẩn danh cần được lưu tâm

Không lâu sau khi Bitcoin cash hard fork thì Bitcoin Gold cũng ra đời sau đợt phân tách ngày 25/10/2017, BTG muốn thay đổi cách thức cạnh tranh “phần thưởng” đào coin của các thợ mỏ. Tương tự như BCH thì vào thời điểm xảy ra hardfork những người trữ BTC cũng nhận được BTG với tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, BTG không thuận lợi như BCH, giá trị của BTG đã giảm thê thảm sau khi được list lên một số sàn giao dịch. Hiện tại giá trị BTG vẫn nhỏ hơn BCH rất nhiều.

Lời kết:

Hy vọng rằng bài này có thể giúp ích cho các bạn, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu tham gia vào thị trường tiền điện tử. Nếu các bạn thấy bài viết này hữu ích thì đừng quên chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé. Thân chào và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.

Tham gia ngay cộng đồng của BitcoinVN để trở thành người nắm thông tin thị trường nhanh nhất: https://t.me/bitcoinvn_community