Không chỉ là nền tảng của Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung, blockchain còn mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng trong các lĩnh vực khác như tài chính, chăm sóc sức khỏe và quản lý chuỗi cung ứng. Trong bài viết này, hãy cùng BitcoinVN News khám phá blockchain là gì? Cách chúng hoạt động, những lợi ích mà công nghệ này mang lại trong thế giới hiện đại và top 10 blockchain đáng chú ý nhất năm. 

Blockchain là gì? Xem ngay bài viết này để hiểu rõ nền tảng của tiền điện tử nhé!
Blockchain là gì? Xem ngay bài viết này để hiểu rõ nền tảng của tiền điện tử nhé!

Công nghệ Blockchain là gì?

Khái niệm về blockchain

Khác với việc lưu trữ dữ liệu trên 1 máy chủ trung tâm duy nhất (dễ bị bên thứ ba thao túng dữ liệu) Blockchain (hay chuỗi khối) là một sổ cái lưu trữ dữ liệu phân tán và công khai trên mạng máy tính.

Các khối lưu trữ dữ liệu được kết nối với nhau thông qua hệ thống mật mã phức tạp. Nhờ đó, dữ liệu giao dịch lưu trữ trên blockchain là minh bạch và bất biến (không ai có quyền sửa đổi hoặc xóa chúng). 

Nhờ tính công khai, minh bạch và sự thành công của blockchain Bitcoin (năm 2009) đã khiến công nghệ này trở thành “xương sống” của tiền điện tử, ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi), token không thể thay thế (NFT), hợp đồng thông minh và hỗ trợ tốt cho ngân hàng, hoạt động bỏ phiếu công khai, nhận dạng giấy tờ…

Công nghệ blockchain được ứng dụng trong tiền điện tử

Cơ chế hoạt động của blockchain là gì?

Blockchain gồm các kịch bản thực hiện các tác vụ như: nhập, truy cập và lưu trữ thông tin. Blockchain phân phối dữ liệu trên nhiều máy khác nhau và tất cả các máy này phải khớp nhau để hợp lệ.

Để hiểu hơn về cơ chế hoạt động của blockchain là gì? Mời bạn theo dõi ví dụ về blockchain Bitcoin:

  1. Blockchain Bitcoin thu thập thông tin giao dịch và nhập vào một tệp 4MB gọi là khối (block). Khi đầy khối, thông tin được mã hóa thành một số hexadecimal được gọi là hàm băm tiêu đề khối.
  2. Sau đó, hàm băm được nhập vào tiêu đề khối tiếp theo và mã hóa với các thông tin khác, tạo thành chuỗi khối (blockchain).
Blockchain giúp lưu trữ thông tin minh bạch

Quá trình giao dịch trong blockchain diễn ra như thế nào?

Mỗi blockchain sẽ có 1 quy trình giao dịch khác nhau. Ví dụ trên blockchain Bitcoin, khi bạn khởi tạo một giao dịch bằng ví điện tử, nó sẽ bắt đầu hành trình như sau:

  1. Khi thực hiện giao dịch Bitcoin, thông tin được gửi vào “memory pool” và chờ thợ đào chọn. Khi một khối đã đầy giao dịch, nó sẽ được đóng lại và quá trình khai thác bắt đầu.
  2. Mỗi node trong mạng lưới đề xuất khối riêng với các giao dịch khác nhau và cố gắng tìm giải pháp cho độ khó bằng cách sử dụng “nonce” (số sử dụng một lần).

Nonce là một trường có thể thay đổi trong tiêu đề khối, bắt đầu từ 0 và tăng dần từng lần thử. Nếu hàm băm không đạt yêu cầu, nonce tăng lên, tạo ra hàm băm mới. Quá trình này lặp lại khoảng 4,5 tỷ lần (dưới một giây) với giá trị extranonce làm bộ đếm bổ sung, cho đến khi thợ đào tạo ra hàm băm hợp lệ và nhận phần thưởng.

Quá trình tạo hàm băm để tìm giá trị cụ thể gọi là “bằng chứng công việc” (proof-of-work), chứng minh thợ đào đã thực hiện công việc. Lượng công việc này lý giải việc tiêu thụ nhiều sức mạnh tính toán và năng lượng của mạng Bitcoin.

3. Khi một khối được đóng lại, giao dịch được hoàn thành, nhưng phải chờ 5 khối sau đó được xác thực để giao dịch được coi là xác nhận. Quá trình này mất khoảng 1 giờ vì mỗi khối mất khoảng 10 phút.

Quá trình giao dịch diễn ra bên trong blockchain (Nguồn: Investopedia)

Không phải tất cả blockchain đều theo quy trình này. Ví dụ, mạng Ethereum chọn ngẫu nhiên một người xác thực từ những người đặt cược Ether để xác thực khối, nhanh hơn và ít tốn năng lượng hơn Bitcoin.

Tính minh bạch của Blockchain là gì?

Vì tính phi tập trung, mọi giao dịch đều minh bạch và có thể được xem qua trình khám phá blockchain hoặc tải xuống và kiểm tra trực tiếp. Mỗi node có bản sao chuỗi cập nhật liên tục, cho phép bạn theo dõi bitcoin đã đến bất cứ đâu.

Mặc dù các sàn giao dịch đã bị hack và mất nhiều tiền điện tử, hacker có thể ẩn danh nhưng tiền điện tử bị đánh cắp vẫn có thể dễ dàng theo dõi qua địa chỉ ví công khai trên blockchain.

Tất nhiên, các bản ghi trên blockchain được mã hóa, nên chỉ người sở hữu địa chỉ mới có thể tiết lộ danh tính của họ. Do đó, người dùng có thể giữ ẩn danh trong khi vẫn đảm bảo tính minh bạch.

Thông tin được lưu trữ trên blockchain không thể bị sửa đổi

Mức độ bảo mật của blockchain như thế nào?

Blockchain đạt được tính bảo mật và tin cậy nhờ lưu trữ các khối theo thứ tự tuyến tính và không thể thay đổi khối trước khi thêm khối mới. Mỗi khối chứa hàm băm của khối trước, vì vậy thay đổi dữ liệu làm thay đổi hàm băm và các khối tiếp theo, dẫn đến việc mạng từ chối khối bị thay đổi. Nhưng điều này có thể xảy ra trên mạng blockchain nhỏ hơn.

Không phải tất cả blockchain đều không thể xâm nhập. Chúng là sổ cái phân tán sử dụng mã để bảo mật, nhưng nếu mã hóa có lỗ hổng, chúng vẫn có thể bị tấn công.

Một blockchain mới và nhỏ hơn thường dễ bị tấn công 51%, nhưng trên Bitcoin và các blockchain lớn, điều này gần như không thể. Tốc độ tính toán hàm băm của mạng quá nhanh, khiến các khối thay đổi khó theo kịp. Ví dụ, mạng Bitcoin tính toán hàm băm ở tốc độ 566-657 exahash mỗi giây từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2024.

Blockchain Ethereum cũng khó bị hack vì kẻ tấn công cần kiểm soát hơn một nửa số ether được stake. Giữa tháng 4 và tháng 6 năm 2024, hơn 32 triệu ETH được stake bởi hơn một triệu người xác thực. Kẻ tấn công cần sở hữu khoảng 16,4 triệu ETH và được chọn ngẫu nhiên đủ số lần để tiến hành tấn công 51%.

Rất khó để hack blockchain, tuy nhiên nếu có lỗ hổng chúng vẫn bị tấn công

Blockchain của Bitcoin có gì đặc biệt?

Công nghệ blockchain được phác thảo vào năm 1991 bởi nhà nghiên cứu Stuart Haber và W. Scott Stornetta để ngăn giả mạo tài liệu theo thời gian thực. Nhưng phải gần hai thập kỷ sau, vào tháng 1 năm 2009, blockchain mới có ứng dụng thực tế đầu tiên với sự ra mắt của Bitcoin.

Giao thức Bitcoin dựa trên blockchain. Satoshi Nakamoto, tác giả ẩn danh của Bitcoin, mô tả nó là “hệ thống tiền điện tử ngang hàng, loại bỏ sự can thiệp của bên thứ ba.” Bitcoin sử dụng blockchain như một phương tiện để ghi lại một sổ cái các khoản thanh toán hoặc các giao dịch khác giữa các bên một cách minh bạch.

Sự khác nhau giữa Ngân hàng và Blockchain là gì?

Tính năng Ngân Hàng Bitcoin
Giờ hoạt động Mở từ 9:00 sáng đến 5:00 chiều, có thể mở vào cuối tuần nhưng hạn chế. Đóng cửa vào ngày nghỉ. Mở cửa 24/7, 365 ngày trong năm.
Phí giao dịch
  • Thẻ: Phí thay đổi tùy theo hạng thẻ.
  • Séc: $1-$30.
  • ACH: Đến $3.
  • Wire: Nội địa $25, quốc tế $45.
Phí giao dịch thay đổi từ $0 đến $50, do người dùng quyết định.
Tốc độ giao dịch
  • Thẻ: 24-48 giờ
  • Séc: 24-72 giờ
  • ACH: 24-48 giờ
  • Wire: Trong 24 giờ (không làm việc vào cuối tuần/ngày nghỉ)
15 phút đến hơn một giờ, tùy vào mức độ lưu thông của mạng.
Quy tắc KYC Cần có quy trình KYC để mở tài khoản. Không cần xác minh danh tính để tham gia mạng Bitcoin.
Dễ dàng chuyển tiền Cần giấy tờ tùy thân, tài khoản ngân hàng và điện thoại di động. Cần kết nối internet và điện thoại di động.
Bảo mật Dựa vào bảo mật của ngân hàng và cách cá nhân bảo vệ thông tin. Bảo mật tùy thuộc vào người dùng, khuyến nghị lưu trữ lạnh cho số lượng lớn.
Giao dịch được phê duyệt Ngân hàng có thể từ chối hoặc đóng băng tài khoản vì nhiều lý do. Mạng Bitcoin không quy định cách sử dụng, tuy nhiên người dùng nên tuân thủ quy định quốc gia/khu vực.
Tịch thu tài khoản Chính phủ có thể theo dõi và tịch thu tài khoản do các luật KYC. Chính phủ khó theo dõi và tịch thu Bitcoin nếu sử dụng ẩn danh.

7 lĩnh vực sử dụng blockchain hiệu quả nhất hiện nay

Sau khi nắm rõ khái niệm blockchain là gì và các ưu điểm vượt trội của nó, nhiều lĩnh vực ngoài tiền điện tử đã khai thác các giá trị độc đáo của công nghệ này. Các công ty như Walmart, Pfizer, AIG, Siemens và Unilever cũng đang bắt đầu thử nghiệm với blockchain.

Ví dụ, IBM đã phát triển blockchain Food Trust để theo dõi hành trình sản phẩm thực phẩm. Tại sao lại làm điều này?  Vì ngành thực phẩm thường gặp vấn đề với các vụ bùng phát dịch như E. coli và salmonella và việc xác định nguồn gốc của chúng trước đây mất nhiều tuần.

Blockchain cho phép doanh nghiệp theo dõi lộ trình nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đến khi giao hàng, giúp phát hiện vấn đề sớm hơn và có thể ngăn chặn bùng phát dịch bệnh. Đây chỉ là một trong nhiều ứng dụng thực tiễn của blockchain.

Ngân hàng và Tài chính

Có lẽ không có ngành nào được hưởng lợi từ việc tích hợp blockchain vào hoạt động kinh doanh của mình nhiều hơn ngân hàng. Vậy lợi ích mà ngành này nhận được khi sử dụng blockchain là gì?

Câu trả lời là blockchain hoạt động 24/7 và không bị giới hạn bởi giờ làm việc.

Tích hợp blockchain vào ngân hàng cho phép xử lý giao dịch trong vài phút hoặc giây, bất kể thời gian hay ngày lễ. Blockchain cũng giúp các ngân hàng trao đổi tiền nhanh hơn và an toàn hơn, giảm chi phí và rủi ro do thời gian chuyển tiền.

Thanh toán và bù trừ chứng khoán có thể mất đến 3 ngày hoặc lâu hơn với giao dịch quốc tế, khiến tiền và cổ phiếu bị đóng băng. Trong khi đó, blockchain có thể giảm đáng kể thời gian này.

Tích hợp blockchain vào ngân hàng có thể giúp tăng tốc độ giao dịch

Tiền điện tử

Blockchain là nền tảng cho tiền điện tử như Bitcoin, cho phép giao dịch xuyên biên giới dễ dàng hơn bằng cách sử dụng mạng lưới phân tán, vượt qua các hạn chế tiền tệ và cơ sở hạ tầng.

Y tế

Lợi ích của ngành y tế khi sử dụng blockchain là gì? Các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể dùng blockchain để lưu trữ hồ sơ y tế, đảm bảo không thể thay đổi. Hồ sơ này được mã hóa và truy cập bằng khóa riêng, đảm bảo quyền riêng tư cho bệnh nhân.

Hồ sơ bất động sản

Ghi lại quyền sở hữu tài sản tại văn phòng ghi chép vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Bạn phải nộp văn bản cho nhân viên chính phủ, người sẽ nhập thủ công vào cơ sở dữ liệu. Khi có tranh chấp, các yêu cầu phải kiểm tra lại trong cơ sở dữ liệu công.

Quá trình này không chỉ tốn kém và mất thời gian mà còn dễ xảy ra lỗi do con người, khiến việc theo dõi quyền sở hữu tài sản kém hiệu quả hơn. Blockchain có thể loại bỏ việc kiểm tra tài liệu và theo dõi tệp vật lý, lưu trữ và xác minh quyền sở hữu tài sản, giúp chủ sở hữu có thể tin tưởng rằng giấy tờ của họ là chính xác và được ghi lại vĩnh viễn.

Việc chứng minh quyền sở hữu tài sản là rất khó ở các quốc gia bị chiến tranh hoặc khu vực thiếu cơ sở hạ tầng. Blockchain có thể giúp thiết lập mốc thời gian sở hữu tài sản một cách minh bạch ở những nơi này.

Hợp đồng thông minh

Hợp đồng thông minh là một chương trình máy tính được tích hợp vào blockchain để tự động thực hiện giao dịch. Chúng hoạt động dựa trên các điều kiện mà người dùng đồng ý. Khi các điều kiện này được thỏa mãn, hợp đồng thông minh sẽ tự động thực hiện giao dịch.

Chuỗi cung ứng

Nếu bạn băn khoăn không biết giá trị của blockchain là gì trong ngành thực phẩm thì đây là câu trả lời! Ngành thực phẩm áp dụng blockchain để theo dõi an toàn thực phẩm từ trang trại đến người tiêu dùng và hỗ trợ rất tốt cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Bỏ phiếu

Như đã đề cập, blockchain có thể cải thiện hệ thống bỏ phiếu bằng cách giảm gian lận và tăng cường tỷ lệ cử tri, như đã thử nghiệm trong cuộc bầu cử ở West Virginia vào tháng 11 năm 2018. 

Blockchain làm cho phiếu bầu gần như không thể bị can thiệp, duy trì tính minh bạch, giảm số nhân sự cần thiết và cung cấp kết quả nhanh chóng. Điều này loại bỏ việc đếm lại phiếu tốn nhiều thời gian và lo ngại về gian lận.

Blockchain được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Ưu – nhược điểm của Blockchain là gì?

Ưu điểm của Blockchain

Độ chính xác cao

Giao dịch trên blockchain được phê duyệt bởi hàng ngàn máy tính, giúp giảm lỗi do con người và đảm bảo sự chính xác của hồ sơ. Nếu một máy tính gặp lỗi, nó chỉ ảnh hưởng đến một bản sao và không được phần còn lại của mạng chấp nhận.

Giảm chi phí

Người tiêu dùng thường phải trả phí cho ngân hàng hoặc công chứng viên để xác minh giao dịch. Blockchain loại bỏ các chi phí này bằng cách không cần bên thứ ba. Ví dụ, khi chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, chủ doanh nghiệp phải trả phí cho ngân hàng và công ty xử lý. Ngược lại, Bitcoin không có cơ quan trung tâm và thường có phí giao dịch thấp.

Phi tập trung

Blockchain không lưu trữ thông tin ở vị trí trung tâm mà phân tán và sao chép trên toàn mạng lưới máy tính. Khi một khối mới được thêm vào, mọi máy tính đều phải cập nhật bản sao của mình. Điều này làm cho blockchain khó bị can thiệp hơn.

Nâng cao hiệu quả giao dịch

Giao dịch qua cơ quan trung tâm có thể mất vài ngày, như gửi séc vào tối thứ 6 và chỉ có thể lấy tiền vào sáng thứ 2. Trong khi đó, blockchain hoạt động 24/7, xử lý giao dịch nhanh chóng.

Một số blockchain hoàn tất giao dịch trong vài phút và đảm bảo an toàn ngay sau đó, điều này đặc biệt hữu ích cho thương mại xuyên biên giới, vốn thường bị chậm trễ do múi giờ và cần xác nhận từ nhiều bên.

Bảo mật danh tính người giao dịch

Nhiều mạng blockchain hoạt động như cơ sở dữ liệu công cộng, cho phép bất kỳ ai có kết nối internet xem lịch sử giao dịch. Dù chi tiết giao dịch có thể được truy cập, thông tin nhận dạng người dùng không được công khai. Tuy nhiên, blockchain như Bitcoin không hoàn toàn ẩn danh vì các địa chỉ giao dịch có thể liên kết với người dùng nếu thông tin bị rò rỉ.

Giao dịch an toàn và bảo mật

Khi một giao dịch được ghi lại, mạng blockchain xác minh tính xác thực của chúng trước khi thêm vào khối. Mỗi khối chứa hash của chính nó và hash của khối trước đó, khiến chúng không thể bị thay đổi sau khi được xác nhận.

Tính minh bạch

Nhiều blockchain là mã nguồn mở, cho phép công khai mã nguồn để kiểm toán bảo mật. Điều này cũng có nghĩa là không có cơ quan kiểm soát mã nguồn, nên ai cũng có thể đề xuất thay đổi hoặc cập nhật. Tuy nhiên, không có cơ quan nào kiểm soát mã nguồn, nên bất kỳ ai cũng có thể đề xuất thay đổi. Nếu phần lớn người dùng đồng ý, blockchain có thể sẽ được cập nhật.

Các blockchain riêng tư hoặc được cấp phép có thể không công khai, tùy thuộc vào thiết kế và mục đích của chúng. Thường thì những blockchain này chỉ cho phép người dùng xem dữ liệu.

Có thể trong tương lai, các công ty sẽ phải cung cấp báo cáo tài chính qua blockchain để đảm bảo minh bạch và ngăn chặn việc làm giả số liệu tài chính.

Hỗ trợ những người chưa có tài khoản ngân hàng

Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng blockchain, không phân biệt chủng tộc, giới tính hay vị trí. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 1,4 tỷ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng và phụ thuộc hoàn toàn vào tiền mặt.

Những người này thường phải cất giữ tiền mặt ở trong nhà, tăng nguy cơ bị trộm cướp. Tiền điện tử giúp giảm nguy cơ này bằng cách làm cho việc trộm cắp trở nên khó khăn hơn.

Blockchain mang lại nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh lực

Nhược điểm của Blockchain là gì?

Phí công nghệ tương đối cao

Blockchain có thể tiết kiệm phí giao dịch, nhưng chúng không miễn phí. Hệ thống xác thực giao dịch của Bitcoin tiêu tốn nhiều năng lượng, nhiều hơn cả điện tiêu thụ hàng năm của Pakistan. Hiện nay, có một số giải pháp đang được áp dụng, như sử dụng năng lượng mặt trời, khí đốt dư thừa, hoặc năng lượng gió tại các bể khai thác Bitcoin.

Tốc độ giao dịch chậm

Bitcoin là ví dụ điển hình cho những hạn chế của blockchain. Hệ thống Proof of Work (PoW) của Bitcoin mất khoảng 10 phút để thêm một khối mới vào blockchain và chỉ xử lý khoảng 7 giao dịch mỗi giây (TPS). So với Visa, có thể xử lý tới 65.000 TPS, tốc độ của Bitcoin là rất thấp. Dù các loại tiền điện tử khác như Ethereum hoạt động tốt hơn, blockchain vẫn gặp phải những hạn chế về khả năng mở rộng.

Ngoài ra, mỗi khối trong blockchain chỉ có thể chứa một lượng dữ liệu nhất định và cuộc tranh luận về kích thước khối là một trong những vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của blockchain trong tương lai.

Dễ bị lợi dụng để phục vụ các hoạt động bất hợp pháp

Tính bảo mật của blockchain bảo vệ người dùng nhưng cũng dễ bị kẻ xấu lạm dụng cho những giao dịch bất hợp pháp. 

Ví dụ điển hình là Silk Road, thị trường ma túy và rửa tiền trực tuyến được FBI phá án vào năm 2013. Người dùng sử dụng trình duyệt Tor và tiền điện tử như Bitcoin để giao dịch mà không bị theo dõi. Điều này trái ngược với các quy định của Hoa Kỳ, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thu thập và xác minh thông tin khách hàng.

Hoạt động bất hợp pháp chỉ chiếm 0,34% giao dịch tiền điện tử năm 2023. Nhưng nhiều người cho rằng lợi ích của tiền điện tử vượt trội hơn những rủi ro này.

Thiếu quy định cụ thể

Nhiều người trong lĩnh vực tiền điện tử lo ngại về quy định của chính phủ. Một số khu vực đang siết chặt kiểm soát tiền điện tử, nhưng chưa có quy định nào hạn chế việc sử dụng và phát triển blockchain, chỉ có một số sản phẩm tạo ra bằng blockchain bị ảnh hưởng.

Kích thước khối bị giới  hạn

Blockchain đòi hỏi nhiều dung lượng lưu trữ. Theo thời gian, việc sử dụng blockchain ngày càng tăng sẽ yêu cầu nhiều không gian lưu trữ hơn, đặc biệt là các blockchain mà các nút lưu trữ toàn bộ chuỗi. Hiện nay, lưu trữ dữ liệu tập trung ở các trung tâm lớn. 

Tuy nhiên, nếu blockchain được áp dụng rộng rãi, kích thước của nó sẽ tăng theo cấp số nhân, đòi hỏi các kỹ thuật tiên tiến để giảm kích thước hoặc cần liên tục nâng cấp dung lượng lưu trữ. Điều này sẽ rất tốn kém, cả về chi phí và không gian vật lý. Ví dụ, blockchain Bitcoin đã có kích thước hơn 581GB vào ngày 29 tháng 6 năm 2024 và con số này sẽ tăng khi số lượng blockchain tăng lên.

Blockchain vẫn còn nhiều nhược điểm cần được cải thiện

Top 10 dự án blockchain thành công nhất hiện nay

1. Bitcoin (BTC)

Bitcoin là tiền điện tử đầu tiên và nổi tiếng nhất, được tạo ra bởi một người (hoặc nhóm người) ẩn danh dưới bút danh Satoshi Nakamoto vào năm 2008. Bitcoin sử dụng công nghệ blockchain để cung cấp một hệ thống tiền tệ phi tập trung, cho phép các giao dịch ngang hàng mà không cần bên thứ ba trung gian.

2. Ethereum (ETH)

Ethereum được sáng lập bởi Vitalik Buterin vào năm 2015. Vậy giá trị của Ethereum Blockchain là gì? Ethereum là một nền tảng blockchain cho phép phát triển các ứng dụng phi tập trung (DApps) và hợp đồng thông minh (smart contracts), mở ra nhiều cơ hội cho các dự án sáng tạo.

3. Binance Smart Chain (BSC)

Binance Smart Chain là một blockchain song song với Binance Chain, cung cấp chức năng hợp đồng thông minh và tương thích với máy ảo Ethereum (EVM). Được phát triển bởi sàn giao dịch tiền điện tử Binance, BSC đã trở thành một nền tảng phổ biến cho các DApps và DeFi (tài chính phi tập trung). Blockchain này có token gốc là BNB, hiện có vốn hóa thị trường đứng thứ 4 (85 tỷ USD) theo CoinMarketCap.

4. Polygon (POL)

Polygon là giải pháp layer-2 cho Ethereum, giúp tăng khả năng mở rộng và giảm phí giao dịch. Sử dụng cơ chế rollup, Polygon xử lý giao dịch ngoài chuỗi chính của Ethereum và đưa trở lại chuỗi chính định kỳ. 

Điểm nổi bật của Polygon blockchain là gì? Blockchain này tương thích với Ethereum, khả năng xử lý nhiều giao dịch mỗi giây, phí thấp và ứng dụng rộng rãi trong DeFi, NFT và game. Polygon giải quyết hiệu quả vấn đề mở rộng của Ethereum, cung cấp môi trường phát triển dApp nhanh chóng và chi phí thấp.

5. Solana (SOL)

Solana là một blockchain hiệu suất cao được thiết kế để hỗ trợ các DApps và tiền điện tử với tốc độ giao dịch nhanh và phí giao dịch thấp. Solana sử dụng một cơ chế đồng thuận mới gọi là Proof of History (PoH) để đạt được hiệu suất cao và khả năng mở rộng.

6. Cardano (ADA)

Cardano là một blockchain phi tập trung với mã nguồn mở, phát triển bởi Charles Hoskinson, đồng sáng lập Ethereum. 

Mục đích của Cardano Blockchain là gì? Nó tạo ra một nền tảng blockchain an toàn, mở rộng và bền vững, đặc biệt tập trung vào việc cung cấp các giải pháp cho các tổ chức lớn và chính phủ.

7. Polkadot (DOT)

Polkadot, sáng lập bởi ông Gavin Wood – một trong những người đồng sáng lập Ethereum, là một nền tảng blockchain liên kết nhiều blockchain khác nhau, cho phép chúng hoạt động cùng nhau một cách liền mạch. Polkadot tạo điều kiện cho sự trao đổi dữ liệu và tài sản giữa các blockchain khác nhau.

8. Avalanche (AVAX)

Avalanche được ra mắt vào năm 2020, là một nền tảng blockchain hiệu suất cao, cho phép triển khai các dApps và blockchain tùy chỉnh. 

Đặc điểm nổi bật của Avalanche blockchain là gì? Nó bao gồm thời gian hoàn tất giao dịch dưới một giây, khả năng mở rộng cao và tương thích với Ethereum.

9. Tron (TRX)

Tron là nền tảng blockchain tập trung vào giải trí và nội dung số, với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái phi tập trung cho người sáng tạo và người dùng. 

Tron nổi bật với tốc độ giao dịch cao, phí thấp và hệ sinh thái dApp đa dạng trong các lĩnh vực game, giải trí và tài chính. Nền tảng này là lựa chọn tốt cho những ai quan tâm đến giải trí và nội dung số, cung cấp môi trường phát triển dApp thuận lợi và tiềm năng tăng trưởng lớn.

10. Cosmos

Nổi bật với giao thức Inter-Blockchain Communication (IBC), Cosmos cho phép các blockchain tương tác hiệu quả, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng các blockchain tùy chỉnh với nhiều chức năng khác nhau. 

Cosmos cũng hỗ trợ phát triển ứng dụng phi tập trung (dApps), DeFi, NFT và nhiều hơn nữa. Cosmos là giải pháp đáng chú ý để giảm phân mảnh trong không gian blockchain và thúc đẩy sự hợp tác giữa các blockchain.

Top 10 blockchain thành công nhất hiện nay

Kết luận

Với khả năng loại bỏ bên thứ ba và giảm thiểu gian lận, blockchain đang thay đổi cách chúng ta tương tác và giao dịch. Tuy nhiên, nó vẫn đối mặt với thách thức về chi phí lưu trữ và quản lý quy định, đòi hỏi cải tiến liên tục. 

Hy vọng rằng bài viết này đã mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quát về khái niệm “blockchain là gì?” và lợi ích mà chúng đem lại.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tiền điện tử cần được giải đáp, đừng ngần ngại tham gia cộng đồng tiền điện tử của chúng tôi trên Telegram để cập nhật kiến thức và tin tức mới nhất.

Nguồn: Investopedia