Chỉ báo kỹ thuật (Technical Indicator) là một phần không thể thiếu trong hệ thống giao dịch của rất nhiều trader tiền mã hoá. Tuy nhiên dùng chỉ báo nào, và bao nhiêu chỉ báo là đủ thì không phải trader sử dụng phân tích kỹ thuật nào cũng biết. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng những chỉ báo kỹ thuật một cách hiệu quả để tối ưu hoá chiến lược trading của mình.
Phân loại chỉ báo kỹ thuật
Các đường trung bình động đơn giản (SMA), đường trung bình động số mũ (EMA), hệ thống chỉ báo MACD… hoàn toàn không xa lạ gì với ai sử dụng phân tích kỹ thuật trong giao dịch. Thế nhưng rất ít trader nhận ra rằng chúng lại cùng thuộc một loại chỉ báo về xu hướng, gợi ý cho chúng ta hướng đi nhất định của thị trường. Rất nhiều chỉ báo kỹ thuật trong thế giới trading nhìn chung được chia thành bốn nhóm chính:
- Nhóm Xu hướng (Trend) bao gồm các loại đường trung bình động(Moving Average) thường gặp, MACD, Parabolic SAR… Nhóm này thể hiện đường đi của thị trường trong thời giai trung dài hạn. Nhóm Xu hướng thường đơn giản, dễ sử dụng và xuất hiện rất thường xuyên trong các hệ thống giao dịch.
- Nhóm chỉ báo về Động lực (Momentum) như đường RSI, Stochastic, Stoch RSI. Các chỉ báo trong phân loại này cung cấp cho trader cái nhìn về động lực tăng, giảm giátrong thời gian ngắn hạn, phù hợp cho những trader giao dịch nhanh trong ngày.
- Nhóm Độ biến động (Volatility) đo lường mức độ biến động của giá. Bollinger Band phổ biến trong giới trader nằm trong phân loại này.Ngoài ra còn có đường độ biến động trung bình chuẩn ATR (Average True Range) cũng thường được nhà giao dịch phân tích kỹ thuật sử dụng.
- Nhóm Khối lượng (Volume) là chỉ báo làm việc với thông tin về khối lượng giao dịch. Bao nhiêu khối lượng được khớp, trung bình theo từng khung thời gian như thế nào, tương ưng với giá ra sao, là những thông tin được nhóm chỉ báo này cung cấp cho trader. Đường On-Balance Volume (OBV) là một loại chỉ báo điển hình trong nhóm này.
Lỗi sai chết người
Các chỉ báo kỹ thuật nằm trong cùng một nhóm về bản chất là cung cấp cho chúng ta cùng một loại thông tin. Có thể là khác nhau về công thức tính toán, có thể khác nhau về cách diễn giải nhưng bản chất là CÙNG LOẠI dữ liệu từ thị trường. Đây là một điều cực kì quan trọng mà bất kì trader sử dụng phân tích kỹ thuật nào cũng phải thuộc nằm lòng.
Trader sử dụng cùng lúc nhiều đường MA và hệ thống MACD sẽ nhận về cùng một loại tín hiệu từ thị trường. Điều này tạo ra “điểm yếu chết người”. Nếu đường EMA20 quen thuộc chúng ta vẫn hay sử dụng đưa ra tín hiệu nhiễu, không chuẩn trong một giai đoạn nào đó, thì MACD cũng sẽ tương tự. Vì dùng cả hai chỉ báo cùng cho thông tin sai lệch từ thị trường, nên các trader giao dịch hệ thống này sẽ đưa ra quyết định mua bán không hợp lí và dẫn đến thua lỗ. Vậy giải pháp để khắc phục là gì?
Kết hợp các chỉ báo
Cách sử dụng các chỉ báo kỹ thuật đúng đắn nhất là hãy đa dạng hoá chúng. Chọn trong mỗi nhóm phân loại trên một chỉ báo mà nhà giao dịch cảm thấy hiểu rõ và phù hợp với cách giao dịch của mình nhất. Một ví dụ kết hợp thường thấy nhất là sử dụng Bollinger Band và đường sức mạnh tương đối RSI (Relative Strength Index) khi trading.
Hệ thống giao dịch sử dụng hai chỉ báo trên sẽ cập nhật được kịp thời hai loại thông tin. Khi nhìn vào biểu đồ, trader sẽ đo được độ biến động từ Bollinger Band, đồng thời nhìn thấy được động lực của đường giá qua diễn biến của đường RSI. Kết hợp cả hai yếu tố đó sẽ cho nhà giao dịch một quyết định hợp lí hơn, so với việc sử dụng quá nhiều chỉ báo cùng một loại thông tin.
Bỏ bớt chỉ báo và luyện tập thành thạo
Trader Bitcoin không nên thay đổi hệ thống chỉ báo quá nhiều. Hãy dành thời gian thực hành và quan sát thị trường với một bộ chỉ báo kỹ thuật nhất định. Khi đã có số “giờ bay” nhất định trong thị trường đầy biến động này, bạn sẽ tìm được một bộ công cụ phù hợp và tạo ra lợi nhuận tốt nhất.
Hãy mạnh dạn bỏ đi những chỉ báo bạn cảm thấy dư thừa và không cung cấp nhiều thông tin cho bạn. Ít nhưng chất lượng. Cũng giống như mỗi đầu bếp sẽ có một món ăn “tủ”, trader cũng tương tự như vậy với hệ thống giao dịch của riêng mình, với chỉ một hoặc hai chỉ báo kỹ thuật ít nhưng hiệu quả của họ.
Lời kết
Bài viết đã cung cấp kiến thức về bốn nhóm chỉ báo kỹ thuật, số lượng chỉ báo phù hợp và các gợi ý sử dụng hiệu quả cho nhà giao dịch. Trong thị trường trading tiền mã hoá, nắm vững các chỉ báo kỹ thuật này là một trong những điều kiện cần thiết để trader chinh phục được lợi nhuận bền vững.