Khi Internet bắt đầu có mặt trên thế giới vào những năm 1960 với tên gọi ARPANET, rất ít người biết cách sử dụng nó bởi họ phải tìm hiểu cách thức hoạt động của giao thức TCP/IP. Internet chỉ trở nên phổ cập khi những thứ phức tạp vốn chỉ dành cho dân kỹ thuật “đầu to mắt cận” đó trở nên dễ dàng hơn đối với đa số người dân. Những giao thức như POP3, SMTP được mặc lớp áo khoác giao diện như Outlook, Google Mail; XMPP/IRC được biến thành Skype chat, HTTP, SSL được Google Chrome tích hợp, … Các bạn teen ngày nay cứ thế mà lướt Facebook và chẳng cần hiểu websocket hoạt động ra sao. Mọi thứ được các kỹ sư khoác cho một lớp áo choàng mang tên “đơn giản như đan rổ”.

Bitcoin cũng đang trong một quá trình như vậy. Bitcoin là một phương thức lưu trữ tài sản cực kỳ an toàn nếu bạn biết cách bảo vệ nó: Trong 6 năm lịch sử Bitcoin, chưa ai phá được giao thức này. Có rất nhiều người muốn tìm hiểu về Bitcoin nhưng do hạn chế về nền tảng kỹ thuật mà họ chỉ có thể hiểu được một phần nhỏ kiến thức về nó. Ngoài ra, tại phần lớn các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền mã hoá không được pháp luật thừa nhận, nên khi có tranh chấp xảy ra, người dùng gần như không được bảo vệ. Vì vậy, thời gian gần đây đã bắt đầu xảy ra các mô hình lừa đảo dựa vào việc thiếu hiểu biết của đa số người dùng đối với tiền mã hoá.

Cách tốt nhất để bạn không bị mất tiền là nâng cao hiểu biết của mình về cách bảo vệ tài sản cá nhân. Trong thời điểm nhạy cảm này, bất kỳ tin xấu gì đối với tiền mã hoá đều là nguy cơ làm cho các nhà lập pháp suy nghĩ tiêu cực về Bitcoin, kể cả việc đó bắt nguồn từ các loại scam-coin khác mà không phải là Bitcoin.

Bitcoin Vietnam mong muốn giữ được hình ảnh tốt cho cộng đồng Bitcoin tại Việt Nam và đem lại tương lai tốt hơn cho nó. Vì vậy bài viết này tập trung vào việc nhận diện một số phương thức lừa đảo mà người dùng cần đặc biệt chú ý dưới đây:

BƠM VÀ ĐẨY (PUMP AND DUMPS) ALT-COIN

Có hàng trăm loại tiền mã hoá khác nhau. Có rất nhiều loại tiền mã hoá được tạo ra với mục đích thúc đẩy công nghệ. Tuy nhiên, có một số người nhìn thấy đây là một cơ hội làm giàu bằng cách mua thật nhiều coin, rồi thổi phồng nó lên trên các diễn đàn, dùng các chiêu trò để hứa hẹn nhà đầu tư sẽ giàu nhanh. Một khi giá được đẩy lên cao đủ, họ sẽ bán hết số coin nắm giữ. Đây là một chiêu lừa đảo được sử dụng trên thị trường chứng khoán và bắt đầu được áp dụng sang tiền mã hoá, đặc biệt tại những thị trường thiếu kiến thức về Bitcoin như tại Việt Nam.

LỪA ĐẢO KIỂU PONZI TRẢ LÃI CAO

Người điều hành hứa hẹn sẽ trả ‘lãi suất’ cao cho việc nạp tiền/Bitcoin. Cách thức giải thích việc có lãi có thể khác nhau: đầu cơ hoặc cho người khác vay Bitcoin, …

Thay vì trả lãi suất, người điều hành dùng tiền người trước trả người sau. Đây là cách thức mà Bernie Madoff đã sử dụng.

LỪA ĐẢO CLOUD HASHING (BĂM TRÊN ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY) PONZI

Một nhóm đào Bitcoin mời chào bán sức đào của họ. Phương thức thanh toán có thể bằng Bitcoin, hoặc là thẻ tín dụng hoặc Paypal. Bạn được cho một sức đào để đào Bitcoin.

Thường thì rất khó để nhận biết được họ trả tiền bằng công cụ đào đã làm ra hay là trả bằng tiền của người mới vào. Sau đó họ sẽ kêu rằng độ khó đã tăng nhiều và có thể bạn sẽ mất tiền vĩnh viễn.

GIAN LẬN LỪA ĐẢO

Người lừa đảo mời chào bạn mua hàng hoá, thẻ quà tặng, … nhưng bắt bạn trả tiền trước. Bạn gửi Bitcoin, và họ không gửi hàng. Một số người lừa đảo còn sử dụng giấy tờ giả.

Bitcoin cũng giống như tiền mặt. Một khi đã đưa, bạn không thể lấy lại. Chỉ gửi Bitcoin tới người hoặc website bạn tin tưởng.

GIẢ MẠO ĐỂ LẤY TRỘM COIN

Có rất nhiều người nhận được email giả mạo từ một công ty Bitcoin danh tiếng. Chúng sẽ lừa bạn nhấn vào liên kết đến website giả mạo để lấy thông tin truy cập của bạn. Nếu bạn chưa thiết lập Xác-Thực-2-Lớp, chúng sẽ lấy sạch tiền của bạn. Chúng cũng có thể gửi bạn virus tới máy tính của bạn. Một khi bị nhiễm, tên trộm có thể lưu lại mọi phím gõ hoặc đổi địa chỉ nhận Bitcoin khi bạn Copy và Paste để lấy cắp Bitcoin.

Cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để tìm hiểu xem một thứ có phải là lừa đảo hay không là bạn gõ vào Google.com (không dùng đuôi .vn vì SEO cho 1 từ khoá lên đầu ở Google.com khó hơn nhiều so với .vn) cụm từ cần tìm hiểu và tìm từ “scam” trong kết quả. Ví dụ: Nếu bạn gõ Onecoin mà có rất nhiều kết quả trong trang đầu của Google cảnh báo về scam (lừa đảo) thì khả năng cao đó là một dạng lừa đảo.

Những kiểu lừa đảo trên đều bắt nguồn từ những giao dịch bình thường và được biến tấu đi trong môi trường tiền mã hoá. Phần lớn chúng đều đánh vào tâm lý ham làm giàu nhanh và dễ để lừa tiền người dân. Chỉ cần bạn chịu khó dành thời gian tìm hiểu kỹ, bạn sẽ tránh được rất nhiều những cạm bẫy “quá ngon để trở thành sự thật” trên.

>>> Xem thêm: 6 lưu ý quan trọng để tránh rủi ro khi tham gia vào thế giới tiền điện tử