Assets Under Management (AUM) không chỉ phản ánh quy mô và mức độ uy tín của các quỹ/tổ chức tài chính mà chúng còn ảnh hưởng đến phí quản lý và là căn cứ để đưa ra những quyết định đầu tư thông minh. Vậy AUM là gì, cách tính như thế nào và làm sao để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt dựa trên chỉ số này? Đây là những gì bạn cần biết!

Assets Under Management – AUM là gì?
Assets Under Management (AUM) hay còn gọi là tài sản đang được quản lý. Cụ thể, AUM là tổng giá trị thị trường của các khoản đầu tư mà một cá nhân/tổ chức đang quản lý cho khách hàng. Những người quản lý có thể dùng số tiền này để mua và bán cổ phiếu theo mục tiêu đầu tư mà khách hàng mong muốn.
Ví dụ 1:
Quỹ tương hỗ số 1 có hai nhà đầu tư là A và B. Nhà đầu tư A có 50.000 USD, nhà đầu tư B có 100.000USD. Như vậy: tổng giá trị đầu tư của A+B =150.000USD chính là AUM của quỹ số 1.
Ví dụ 2:
Quỹ SPDR S&P 500 ETF (SPY) là một ETF giao dịch trên sàn chứng khoán. Nó bao gồm nhiều cổ phiếu hoặc chứng khoán sao chép theo chỉ số S&P 500. Vào ngày 31 tháng 5 năm 2024, giá trị tài sản ròng (NAV) của SPY là 522,58 USD/cổ phiếu và tổng AUM là 526,22 tỷ USD.
State Street Global Advisors, công ty quản lý SPY, cũng quản lý nhiều quỹ khác. Đến cuối năm 2023, AUM của công ty này là 4,1 nghìn tỷ USD, xếp thứ tư trong số tất cả các công ty đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư, một tổ chức tài chính có dòng vốn lớn và AUM cao là dấu hiệu tích cực cho thấy chất lượng và kinh nghiệm quản lý của tổ chức đó.

Cách tính AUM chuẩn nhất
Cách tính AUM phụ thuộc vào dòng tiền của nhà đầu tư ra/vào quỹ. Trong đó, hiệu suất tài sản, mức độ gia tăng nguồn vốn và cổ tức tái đầu tư làm tăng AUM.
- AUM tăng khi hiệu suất tài sản, gia tăng vốn, cổ tức tái đầu tư và khách hàng mới tăng.
- AUM giảm khi tài sản mất giá, quỹ đóng cửa hoặc dòng tiền đầu tư giảm.
Vậy cách tính AUM là gì? Việc tính AUM được tính theo tổng giá trị thị trường của các tài sản mà người quản lý đầu tư giám sát thay mặt cho khách hàng, bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, ETF, tiền mặt và các chứng khoán khác.
Quá trình này bao gồm xác định và định giá từng tài sản riêng lẻ trong danh mục đầu tư của khách hàng, dựa trên giá thị trường hiện tại, giá trị hợp lý và tỷ giá hối đoái nếu có. Do đó, AUM có thể thay đổi liên tục theo thời gian.
Sau khi xác định giá trị thị trường của từng tài sản, chúng được cộng lại để tính toán AUM.
Quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) về AUM
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) quy định: công ty/nhà quản lý tài sản của khách hàng cần đăng ký giấy phép hoạt động theo hạn mức từ 25 – 100 triệu USD để điều chỉnh hoạt động thị trường tài chính. Cụ thể:
- Nếu nhà tư vấn quản lý tài sản có AUM dưới 100 triệu USD – phải đăng ký với cơ quan quản lý chứng khoán của tiểu bang nơi họ đặt trụ sở chính.
- Nếu AUM của một nhà tư vấn tại tiểu bang đạt 100 triệu USD, họ có thể đăng ký với SEC.
- Khi AUM vượt quá 110 triệu USD, việc đăng ký với SEC thường là bắt buộc.

AUM và phí quản lý
Phí quản lý tài sản được tính theo tỷ lệ phần trăm của AUM (Các nhà tư vấn tài chính và quản lý tài sản cá nhân cũng thu phí theo tỷ lệ phần trăm trên tổng tài sản cá nhân mà họ quản lý).
Mặc dù không phải lúc nào mối quan hệ giữa AUM và phí cũng là trực tiếp, nhưng thông thường khi AUM tăng lên, thu nhập từ phí quản lý cũng có thể tăng cao hơn do phí được tính dựa trên tổng giá trị các tài sản đang quản lý.
Tuy nhiên, cấu trúc phí có thể khác nhau tùy theo các sản phẩm đầu tư và các đối tượng khách hàng. Ví dụ, các quỹ được quản lý chủ động thường có thể áp dụng phí cao hơn so với các quỹ được quản lý thụ động.
Ngoài ra, các khách hàng là tổ chức lớn, có quy mô tầm cỡ thường có thể đàm phán được mức phí thấp hơn so với khách hàng là cá nhân nhỏ lẻ. Các công ty quản lý cũng có thể giảm phí để thu hút các nhà đầu tư lớn. Vì vậy, AUM cao hơn không đồng nghĩa với phí cao hơn, ít nhất là khi nói đến tỷ lệ phần trăm cố định.

Chiến lược thúc đẩy AUM tăng cao
Một trong các mục tiêu quan trọng của các công ty đầu tư là tăng AUM. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ quản lý một số tiền lớn hơn để đầu tư, tạo ra đòn bẩy cao hơn cho tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Để thúc đẩy AUM tăng cao, các công ty/cá nhân quản lý tài chính thường tập trung vào 3 chiến lược sau:
- Chiến lược marketing: Các nhà quản lý sử dụng marketing để nâng cao nhận thức về năng lực, chuyên môn và thành tích của chính họ trong mắt khách hàng. Một phần của chiến lược này có thể bao gồm việc đề cập đến AUM hiện tại, nếu đây là một điểm mạnh đáng tự hào.
- Chiến lược thu hút khách hàng: Các công ty đầu tư sử dụng các ưu đãi, đặc quyền để thu hút khách hàng mục tiêu và áp dụng các chiến lược đầu tư thông minh để tăng AUM.
- Phát triển sản phẩm và khác biệt hóa: Ưu tiên phát triển các sản phẩm và giải pháp đầu tư sáng tạo để đáp ứng xu hướng thị trường, sở thích của nhà đầu tư và yêu cầu quản lý cũng là một cách để tăng AUM. Ví dụ, State Street đã giới thiệu “State Street Alpha” trong báo cáo thường niên năm 2023, một nền tảng kiến trúc dữ liệu quy mô lớn. Các sản phẩm mới như thế này có thể giúp công ty thu hút vốn mới từ khách hàng mới hoặc hiện có.
AUM cao hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. AUM cao không đảm bảo thành công về tài chính. Tuy nhiên, AUM thấp hơn có thể mang lại tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận tốt hơn do có ít nhà đầu tư tham gia hơn.

Tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng đến AUM như thế nào?
Tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng đến biến động của AUM. Trong thị trường tăng giá (bullish), nhà đầu tư có thể đầu tư nhiều hơn, làm tăng AUM. Ngược lại, trong thị trường giảm giá (bearish), họ có thể rút tiền hoặc chuyển tài sản sang nơi an toàn, dẫn đến giảm AUM.
Các thiên kiến về hành vi như chạy theo đám đông cũng có vai trò quan trọng. Những nhà đầu tư mới thường không biết nên bắt đầu từ đâu. Vì vậy họ có thể nghĩ rằng đầu tư vào các quỹ ETF hoặc các công ty đầu tư toàn cầu có AUM cao là cách an toàn nhất.
Tuy nhiên, suy nghĩ này có thể dẫn đến một vòng xoáy nguy hiểm, khiến những nhà đầu tư bắt chước nhau mà không dựa trên phân tích cơ bản (FA) mà chỉ vì người khác cũng đang làm như vậy.

Hỏi – đáp về chủ đề “AUM là gì?”
Các công ty quản lý tài sản sử dụng AUM để làm gì?
Họ sử dụng AUM như một công cụ marketing để thu hút nhà đầu tư mới. AUM giúp nhà đầu tư xác định quy mô hoạt động của một công ty so với các đối thủ cạnh tranh.
Chỉ số AUM mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư tiềm năng?
Khi đánh giá một quỹ, nhà đầu tư thường xem AUM như một chỉ báo về quy mô của quỹ. Những quỹ có AUM cao thường có khối lượng giao dịch thị trường lớn hơn, điều này cũng có nghĩa là chúng có tính thanh khoản cao hơn, giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán các quỹ này.
Thế mạnh của quỹ có AUM lớn là gì?
Các quỹ có AUM lớn có đủ tài sản để đối phó với bất kỳ áp lực bán nào. Việc một số nhà đầu tư lớn rời khỏi quỹ có thể không gây ảnh hưởng đáng kể đến quỹ.
Lưu ý: AUM chỉ là một trong nhiều yếu tố mà nhà đầu tư nên xem xét khi lựa chọn quỹ đầu tư. Các yếu tố quan trọng khác bao gồm hiệu suất quá khứ của quỹ, chi phí quản lý và chiến lược đầu tư của quỹ.
Kết luận
Mong rằng, những chia sẻ trên đây đã giúp bạn định nghĩa được khái niệm AUM là gì, đồng thời biết rõ cách chỉ số này ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư và phí quản lý. Nếu còn bất cứ thông tin nào cần làm rõ, bạn vui lòng chat nhanh với BitcoinVN News tại đây để được hỗ trợ.
Nguồn: Investppedia