“Không nắm giữ key, thì không phải coin của bạn!”– một câu thần chú phổ biến của những người dùng Bitcoin kỹ tính. Nhưng tại sao phải tốn công như vậy khi tin tưởng các giải pháp giám hộ có vẻ thuận tiện hơn nhiều? Người ủng hộ quyền riêng tư của Bitcoin Arman the Parman gần đây đã công bố sáu lý do chính tại sao bạn nên rút Bitcoin của mình khỏi sàn giao dịch – ngay hôm nay.

BitcoinVN News xin phép đăng tải lại bài viết này với sự đồng ý của tác giả.


# 1 – Nếu coin của bạn đang ở trên một sàn giao dịch, bạn cần sự cho phép của sàn giao dịch để sử dụng chúng. Nếu quyền giám hộ là của bạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và gửi coin cho bất kỳ ai, bất cứ lúc nào, với mức phí bạn muốn.

Bạn sẽ hiểu điều này nếu bạn đã từng muốn rút bitcoin của mình từ một sàn giao dịch và bị chặn vì cần cung cấp thêm giấy tờ tùy thân hoặc chứng minh nguồn thu nhập của mình. Bạn có thể đã bị chặn vì đạt đến giới hạn 24 giờ của số lượng mà bạn được phép rút.
Tiền của bạn có thể đã không còn do bảo trì hệ thống đột xuất. Đó là bitcoin của bạn nhưng bạn đang ở một vị trí bất lực.

Bitcoin thực sự không quan tâm bạn là ai hoặc bạn đang giao dịch bao nhiêu. Bạn có thể di chuyển 100.000 bitcoin và bạn có thể tự do làm điều đó mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, ngay cả vào đêm Giáng sinh, nếu bitcoin thuộc quyền sở hữu của bạn.

# 2 – Coin của bạn có thể không thực sự ở đó. Những gì bạn thấy là một lời hứa rằng nếu bạn yêu cầu bitcoin của mình, họ sẽ đưa nó cho bạn. Nhưng nếu sàn giao dịch bị tấn công hoặc nếu CEO giả chết và lấy khóa cá nhân hoặc nếu chính phủ can thiệp, tất cả các đồng coin có thể nói lời từ biệt.

Những người mới đăng nhập vào sàn giao dịch của họ và thấy “Số dư = 1 bitcoin” và họ nghĩ đó là bitcoin của họ. Không phải vậy. Đó chỉ là một con số trên màn hình. Bitcoin nằm trên chuỗi khối Bitcoin, sổ cái phân tán toàn cầu. Thực thể có thể di chuyển bitcoin đó từ địa chỉ này sang địa chỉ khác là thực thể có khóa riêng tư đã tạo ra địa chỉ đó. Người dùng của một sàn giao dịch không có khóa cá nhân, sàn giao dịch thì có! Đó là bitcoin của họ. Bitcoin thuộc về bất kỳ ai có khóa cá nhân. Hiểu điều này là rất quan trọng.

Sàn giao dịch chỉ có một thỏa thuận pháp lý rằng bitcoin thuộc về người dùng và họ hiển thị cho người dùng xem số dư của họ. Nhưng người dùng chỉ có tên đăng nhập, mật khẩu và lời hứa. Không phải là khóa riêng rư.

Một thủ thuật nhỏ nham hiểm mà blockchain.com sử dụng là mật khẩu 24 từ để đăng nhập vào trang web. Trông rất giống như một khóa cá nhân bitcoin, nhưng không phải vậy. Nó chỉ là một trang web-mật khẩu. Blockchain.com có ​​khóa cá nhân. Điều này khá sai lầm và gây nhầm lẫn cho những người mới bắt đầu về bản chất thực sự của cách Bitcoin hoạt động.

Nhiều sàn giao dịch đã bị tấn công và bitcoin đã bị đánh cắp từ các sàn giao dịch đó:

  • Mt. Gox là vụ đầu tiên và nổi tiếng nhất.
  • Quadriga CX, một sàn giao dịch Canada, đã bị phá sản sau khi CEO – người duy nhất trong công ty có quyền truy cập vào các khóa cá nhân (được cho là) ​​đã chết ​​trong một chuyến đi đến Ấn Độ. Người dùng đã mất tất cả bitcoin của họ.
  • Cryptopia, sàn đến từ New Zealand. Bị hack và người dùng mất hết tiền.
  • Binance. Số bitcoin trị giá 40 triệu đô la đã bị đánh cắp nhưng Binance đủ giàu có để đền bù toàn bộ cho khách hàng của họ. Thật đáng xấu hổ, CEO của họ đã kêu gọi khôi phục lại chuỗi khối Bitcoin để thu hồi số tiền bị mất nhưng bị chê cười.
  • Gần đây nhất, CEO của một sàn giao dịch Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ trốn khỏi đất nước với số bitcoin trị giá 2 tỷ USD.
  • Đã có rất nhiều vụ việc khác mà trước đây tôi thậm chí chưa từng nghe đến.

Không có cách nào để biết liệu một sàn giao dịch có thực sự bị tấn công hay không hay đó là công việc nội bộ từ một nhân viên bất hảo. Điểm mấu chốt là: nếu họ nắm giữ bitcoin của bạn, bạn đang tin tưởng họ sẽ hành động một cách trung thực và an toàn.

Bạn có thể không tin tưởng bản mình với quyền giám hộ. Đó là điều dễ hiểu. Nhưng trách nhiệm của bạn là tự giáo dục bản thân về quyền tự giám hộ hoặc ít nhất là chỉ quyền giám hộ hợp tác một phần. Hầu hết dân Bitcoin ban đầu có thể giữ rất nhiều bitcoin. Họ phải tự mình nắm giữ và quản lý coin của họ. Những người mới làm quen với bitcoin có thể lưu trữ số coin nhỏ ban đầu của họ trên các sàn giao dịch và điều đó sẽ không quá quan trọng. Nhưng bạn, nếu bạn tìm hiểu bitcoin từ sớm. Bạn nên có trách nhiệm. Tất cả các thông tin có sẵn trực tuyến và miễn phí.

# 3 – Nếu coin vẫn còn trên sàn giao dịch, chúng có thể được dùng vào hoạt động cho vay dự trữ theo tỷ lệ, làm tăng nguồn cung bitcoin một cách hiệu quả. Nếu có một đợt rút tiền hàng loạt của công chúng, các sàn giao dịch có thể phá sản nếu họ không có số tiền như đã hứa. Bái bai số coin đó.

Dự trữ một phần là hành vi gian lận để chấp nhận một khoản tiền gửi, và sau đó cho vay nó, nhưng người gửi tiền có ảo tưởng rằng tiền của họ vẫn còn. Bằng cách nào đó, điều này vừa phổ biến vừa hợp pháp trong thế giới ngân hàng truyền thống. Nếu một bitcoin được gửi và sau đó được cho vay, người gửi tiền sẽ không có quyền truy cập, tương tự như tiền gửi có kỳ hạn. Đây sẽ là toàn bộ dự trữ hoặc ngân hàng một đổi một.

Nếu người gửi tiền yêu cầu tiền của họ, thì những gì được trả lại cho họ là tiền của một người gửi tiền khác và về lý thuyết, không ai bị thiệt hại. Nhưng nếu nhiều người muốn tiền của họ cùng một lúc, thì nghĩa vụ không thể được thực hiện.

Việc làm này không chỉ làm tăng cung tiền mà còn là một rủi ro hệ thống.

Bằng cách rút coin, bạn loại bỏ rủi ro kiểu “ngân hàng bitcoin” này đối với bạn.

Trace Mayer, một Bitcoiner từng được yêu thích, đã bắt đầu Ngày Proof-of-Keys, vào ngày kỷ niệm khối Bitcoin đầu tiên, ngày 3 tháng 1. Một phong trào mà người dùng Bitcoin ăn mừng bằng cách rút tất cả đồng tiền của họ khỏi các sàn giao dịch cùng một lúc, tạo áp lực mạnh vào hệ thống, để giữ cho các sàn giao dịch trung thực. Bất kỳ sàn giao dịch nào đang vận hành kiểu dự trữ một phần đều có thể bị lộ nếu có đủ người tham gia.

# 4 – Một ngày nào đó, các chính phủ có thể cấm rút tiền vào ví cá nhân, khiến bitcoin của bạn bị mắc kẹt và ít có giá trị hơn rất nhiều. Nền kinh tế bitcoin thực sự sẽ bao gồm thị trường mở ngang hàng, bên ngoài các sàn giao dịch, trong khi coin bị mắc kẹt bên trong các sàn giao dịch sẽ vô dụng.

Tôi hoàn toàn tin rằng các chính phủ sẽ gây khó khăn hoặc cấm hoàn toàn coin rời sàn giao dịch vào ví cá nhân. Chúng ta sẽ đánh trả, không nghi ngờ gì nữa. Nhưng nỗ lực của các chính phủ sẽ vô ích. Hầu hết bitcoin không có trên sàn giao dịch. Ước tính của tôi là khoảng hai triệu coin trong số 18,7 triệu đồng được khai thác đang ở trên các sàn.

Tương lai của Bitcoin là tiền ngang hàng, với hầu hết các khoản thanh toán được thực hiện trên Lightning Network. Tiền trên sàn giao dịch không thể phục vụ chức năng này. Coin trên sàn luôn có một đơn vị trung gian mà bạn sẽ cần sự cho phép của họ để thực hiện thanh toán.

Coin mắc kẹt trên sàn giao dịch do luật pháp không thể được sử dụng như dự định của bitcoin và chúng sẽ ít có giá trị hơn. Nếu tôi cung cấp dịch vụ và tính phí bằng bitcoin, tôi sẽ chỉ chấp nhận bitcoin thực bên ngoài các sàn giao dịch. Tôi sẽ không nhận thanh toán từ bitcoin bị mắc kẹt vào ví sàn của mình. Tôi sẽ không đơn độc. Vì vậy, sẽ có sự khác biệt về giá giữa bitcoin thực và bitcoin bị mắc kẹt trên sàn giao dịch

# 5 – Những người quyền lực muốn Bitcoin thất bại CÓ THỂ bán khống bitcoin trên thị trường hợp đồng tương lai. Nếu chúng ta, những người kháng cự, mua bitcoin và rút khỏi sàn, cuối cùng chúng ta sẽ tách biệt được giá bitcoin trên giấy với bitcoin vật lý.

Chúng ta đang chiến đấu với những người in tiền giấy. Họ dễ dàng bán khống bitcoin và ép giá ngắn hạn vì họ có thể in tiền và do đó không có rủi ro thực sự.

Tìm hiểu thêm về bán khống không có tài sản đảm bảo (naked shorting) có thể ảnh hưởng giá tài sản.

Đây là lý do tại sao họ sẽ thất bại: có một đội quân Bitcoiner, những tín đồ thực sự, thường xuyên mua bitcoin và rút tiền từ các sàn giao dịch. Hầu hết các đồng tiền đã được trao đổi. Nếu cuộc tấn công bán khống thành công trong việc giảm giá, các Bitcoiner sẽ háo hức thu về số coin giá rẻ và loại bỏ nhiều bitcoin hơn nữa khỏi các sàn giao dịch.

Các thợ đào có thể bổ sung phần nào nguồn cung coin trên các sàn giao dịch. Hiện tại, về mặt lý thuyết, các thợ đào có thể bán 900 bitcoin mỗi ngày lên các sàn giao dịch. Khi HODLer loại bỏ 900 bitcoin mỗi ngày, giá tương đối ổn định. Tất nhiên, có thể xảy ra những biến động dữ dội về giá cả khi các nhà giao dịch mua và bán coin. Nhưng khi ngày càng có nhiều đồng tiền bị loại bỏ và khi nguồn cung khai thác giảm đi (giảm một nửa sau mỗi 4 năm), sẽ đến lúc không đủ bitcoin. Điều này sẽ gây ra sự tách biệt giữa giá bitcoin giấy trên thị trường tương lai và bitcoin thực mà HODLer hoặc người bán cần.

Hãy trở thành một phần của đội quân để đưa ngày này đến gần hơn và làm cho bitcoin thành công sớm hơn. Thường xuyên mua trữ bitcoin – trung bình giá (DCA) – và rút số coin này khỏi sàn giao dịch.

# 6 Nếu bạn không cất giữ coin của riêng mình, bạn sẽ không bao giờ hiểu được đầy đủ cách thức hoạt động của Bitcoin.

Nếu bạn không hiểu, bạn sẽ không mua đủ nhiều. Và điều này bạn sẽ hối tiếc.

Bạn sẽ cần tìm hiểu thêm về quyền tự giám hộcách vận hành một node. Điều này cũng sẽ khai mở suy nghĩ của bạn và đưa bạn đến gần hơn với sự thật là công nghệ này tuyệt vời như thế nào. Bạn thậm chí có thể bắt đầu sử dụng Lightning Network và hoàn toàn bị “ám ảnh”, hiểu theo nghĩa tích cực.


Arman The Parman là một Bitcoiner đam mê về vấn đề quyền riêng tư của Bitcoin và sự an toàn của khóa cá nhân. Anh điều hành một chương trình cố vấn trực tuyến để giúp mọi người tiếp cận “bảo mật điên rồ”, đồng thời phát triển và hướng dẫn chiến lược thừa kế không giám hộ, vừa đáng tin cậy vừa có khả năng chống thất thoát. Anh đóng góp cho Bitcoin bằng cách viết các bài báo kinh tế và kỹ thuật đăng trên trang web của mình, armantheparman.com. Nếu bạn trân trọng những nỗ lực không ngừng của anh ấy, bạn có thể ủng hộ tại đây.