Từ con số không, stablecoin đã vươn mình trở thành một trong những loại tiền thành công nhất của ngành crypto trong thập kỷ qua. Sự thành công này thể hiện ở 2 yếu tố chính: mức độ phổ biến & ứng dụng thực tế.
Người dùng đón nhận stablecoin nhanh chóng. Sản phẩm tìm đúng nhu cầu thị trường.
Và lợi nhuận từ stablecoin cực kỳ hấp dẫn, nhất là với những ai tham gia thị trường từ giai đoạn sơ khai.
Đặc biệt, khi hệ thống thanh toán toàn cầu được hiện đại hóa thì ngành công nghiệp thanh toán bằng crypto càng bùng nổ. Điều này góp phần đưa Tether trở thành công ty dẫn đầu thị trường stablecoin và có lợi nhuận cao nhất thế giới:

Trên thế giới hiện có hàng trăm triệu người dùng stablecoin. Nhờ khả năng dễ dàng chuyển đổi giá trị tương đương USD một cách nhanh chóng, minh bạch và không rườm rà như ngân hàng truyền thống, stablecoin lại càng trở nên hấp dẫn trong mắt người dùng.
Lần đầu tiên, chỉ cần có internet, bất kỳ ai cũng có thể giữ giá trị lao động của mình bằng đô-la thay vì tiền pháp định. Điều này mang lại lợi ích to lớn đối với người dùng ở các quốc gia đang phát triển – nơi đồng tiền thường mất giá và thiếu ổn định.
Với lượng vốn lớn chảy vào stablecoin, việc đồng tiền này bị siết chặt quản lý chỉ còn là chuyện sớm muộn.
Sau thời gian bị siết chặt dưới chính quyền Mỹ trước đây (chẳng hạn “Chiến dịch Chokepoint 2.0”) hiện nay, cả những người ủng hộ & phản đối đang tranh cãi quyết liệt về tương lai của stablecoin ở Mỹ.
Liệu stablecoin có phải là cách để Mỹ duy trì vị thế thống trị tài chính trong kỷ nguyên số – hay chúng cần được kiểm soát chặt chẽ như cách tiếp cận thận trọng của châu Âu đối với đổi mới tài chính?
Ngay bên dưới đây, BitcoinVN News đã có buổi phỏng vấn nhanh với anh Tom Howard – người đứng sau bài báo nổi tiếng, khẳng định việc cấm Tether và các stablecoin phát hành ngoài nước Mỹ có thể gây hại cho an ninh tiền tệ Hoa Kỳ. Cùng xem anh ấy nói gì về tương lai của stablecoin nhé!
—
BitcoinVN News: Tom, anh vừa viết một bài báo rất được chú ý, thậm chí CEO Tether, Paolo, cũng chia sẻ lại. Sau bài báo đó thì mọi chuyện diễn ra thế nào? Phản hồi từ ngành crypto và Quốc hội Mỹ về vấn đề này ra sao, thưa anh?
Anh Tom Howard: Có vẻ thông điệp đã được đón nhận! Các thượng nghị sĩ – những người soạn thảo Dự luật GENIUS đã nhấn mạnh trong phiên bỏ phiếu rằng: việc duy trì quyền tiếp cận đồng USD cho người nước ngoài là vấn đề an ninh quốc gia.
Cụ thể, Mỹ đã loại bỏ điều khoản cấm nhà phát hành stablecoin nước ngoài, đồng thời tăng cường ưu đãi cho các công ty phát hành stablecoin trong nước và buộc nhà phát hành stablecoin quốc tế phải tuân thủ luật chống tội phạm tài chính toàn cầu.
Theo tôi, đây là một sự thỏa hiệp hợp lý. Bởi điều này vừa giữ được vai trò của các tổ chức phát hành stablecoin quốc tế, vừa khẳng định sự an toàn của stablecoin khi được hỗ trợ bởi chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, dự luật STABLE của Hạ viện cũng cùng chung tiếng nói. Giờ chỉ còn chờ hai viện thống nhất trước khi bỏ phiếu vào mùa hè này.
BitcoinVN News: Trước đây, ngành crypto từng bị chính quyền Mỹ siết chặt. Với tình hình hiện nay, anh có tin rằng lần này họ sẽ xử lý đúng cách không? Liệu đã đến lúc “xây dựng” ngành tiền điện tử tại Mỹ chưa?
Anh Tom Howard: Vâng. Đây chính là thời điểm lý tưởng để xây dựng ngành công nghiệp tiền điện tử tại Mỹ. Hiện nhiều doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị đón đầu thị trường vào năm sau – năm được kỳ vọng là chính phủ sẽ có quy định “rõ ràng về pháp lý” cho ngành crypto. Nếu điều này thành sự thật, nó có thể mở toang cánh cửa cho ngành crypto tại thị trường Mỹ bùng nổ.
BitcoinVN News: Trong bài viết trước đó, anh cho rằng stablecoin không chỉ tài trợ cho chính phủ Mỹ qua việc mua trái phiếu, mà còn gián tiếp “xuất khẩu” đồng đô-la, từ đó giữ vững vị thế địa chính trị của Mỹ. Liệu các nhà làm luật và chính quyền Mỹ liệu có hiểu được tầm quan trọng chiến lược này không?
Anh Tom Howard: Tham gia quá trình xây dựng luật, tôi biết: Quốc hội Mỹ có 100 thượng nghị sĩ và 435 dân biểu, mỗi người đều có nhóm cố vấn riêng. Họ bị ảnh hưởng từ nhiều phía như cử tri, nhóm vận động hành lang, lợi ích đặc biệt, nhánh hành pháp và đảng phái chính trị.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được bức tranh toàn cảnh. Ngay cả các dân biểu và nhóm cố vấn của họ cũng không thể hiểu sâu mọi vấn đề vì họ phải giải quyết quá nhiều công việc trong thời gian ngắn.
Thường thì họ sẽ dựa vào ý kiến của những người lãnh đạo mà họ tin tưởng hoặc những bên có ảnh hưởng lớn đến vị trí của họ. Các công ty phát hành stablecoin trong nước cũng thường chỉ quan tâm đến lợi ích riêng, thay vì chiến lược quốc gia, dẫn đến những sai lầm như tôi đã chỉ ra trong bài viết.
Tuy nhiên, tôi rất ngạc nhiên và lạc quan khi các tác giả chính của dự luật và những người trong chính phủ hiện tại hiểu rõ cục diện và biết cách điều hướng quá trình xây dựng luật.
BitcoinVN News: Châu Âu đang thắt chặt quy định, ví dụ như yêu cầu các đơn vị phát hành stablecoin phải gửi phần lớn lượng tiền dự trữ vào các ngân hàng EU, điều này được cho là có rủi ro. Các nhà lãnh đạo Mỹ nhìn nhận xu hướng này như thế nào? Họ còn muốn mở rộng sang châu Âu nữa không?
Anh Tom Howard: Bất kỳ stablecoin nào được bảo chứng bằng tiền pháp định cũng đều phụ thuộc vào sức khỏe của đồng tiền đó. Dù là USD hay EUR, nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ thì giá trị đồng tiền cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, tôi cho rằng việc yêu cầu nhà phát hành stablecoin phải dự trữ tiền pháp định trong ngân hàng là hợp lý. Mỹ cũng cho phép các hình thức dự trữ sáng tạo hơn, như stablecoin phi tập trung (ví dụ như DAI) có giá trị ngang bằng tiền pháp định nhưng không cần dự trữ tiền thật trong ngân hàng mà dùng tài sản số hoặc thuật toán để giữ giá ổn định.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cởi mở với stablecoin nước ngoài, miễn là tuân thủ quy định nghiêm ngặt tương đương với của Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu giao dịch toàn cầu vẫn chủ yếu bằng USD.Vì vậy stablecoin neo giá bằng euro khó có thể vượt mặt stablecoin neo giá bằng USD.
Ở cấp độ toàn ngành, châu Âu có lợi thế nhờ khung pháp lý MiCA, và nhiều công ty crypto đã tận dụng lợi thế này để mở rộng ở châu Âu mà không vướng rào cản pháp lý. Tuy nhiên hiện tại, phần lớn kế hoạch này đã được thực hiện xong. Giờ đây, họ đang hướng sự chú ý tới Mỹ. Nếu các quy định mới về tiền điện tử ở Mỹ được thông qua, nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong ngành này.
BitcoinVN News: Khi mỗi quốc gia đều có một khung pháp lý riêng về tiền điện tử, anh có nghĩ là chúng ta sẽ thấy làn sóng các stablecoin mới ra đời không phải vì đổi mới công nghệ, mà chủ yếu là vì mỗi địa phương đều yêu cầu tuân thủ một khung pháp lý riêng?
Anh Tom Howard: Tôi tin là sau khi luật về stablecoin được thông qua, sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn stablecoin mới xuất hiện. Một loại stablecoin mới sẽ phát triển mạnh – đó là stablecoin do ngân hàng phát hành.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa các stablecoin sẽ nằm ở chiến lược tiếp cận người dùng – ai có thể phục vụ được nhóm khách hàng chưa được phục vụ tốt sẽ có lợi thế.
Ngoài ra, Mỹ quy định rất chặt chẽ về việc các công ty phát hành stablecoin có thể làm gì với lượng tiền dự trữ mà họ nắm giữ. Vì bị kiểm soát nghiêm ngặt, các công ty này khó mà đầu tư số tiền đó để sinh lời cao, nên không có nhiều lợi nhuận từ việc nắm giữ tiền dự trữ.
Do đó, các stablecoin “nội địa” ở Mỹ sẽ phải tìm cách khác để kiếm tiền – như tính phí dịch vụ, hợp tác thương mại, hoặc phát triển sản phẩm khác, thay vì chỉ dựa vào lãi từ nguồn dự trữ.
Ngược lại, các stablecoin phát hành ở nước ngoài hoặc theo mô hình phi tập trung (decentralized) không bị kiểm soát chặt như ở Mỹ, nên họ có thể dùng lượng tiền dự trữ để đầu tư mạo hiểm (ví dụ: cho vay, đầu tư vào tài sản có lợi suất cao hơn). Điều này giúp họ có thể kiếm nhiều tiền hơn, nhưng cũng rủi ro hơn – và người dùng, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc các rủi ro này trước khi quyết định có tin tưởng và sử dụng stablecoin đó hay không.
BitcoinVN News: Trong bối cảnh Mỹ muốn giảm phụ thuộc vào tài chính & tập trung phát triển công nghiệp, liệu stablecoin USD còn giữ vai trò chiến lược không?
Anh Tom Howard: Chính quyền Mỹ rất hiểu về “Nghịch lý Triffin”: Rằng để cung cấp đủ USD cho cả thế giới sử dụng, Mỹ phải chấp nhận nhập khẩu nhiều hơn, in nhiều tiền hơn, đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn. Điều này có thể khiến sản xuất trong nước suy yếu, việc làm giảm, và kinh tế mất cân bằng.
Vì vậy, Chính quyền mới ở Mỹ đang cố gắng điều chỉnh lại chiến lược, ví dụ như:
- Tăng xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất, chuỗi cung ứng, v.v.
- Giảm phụ thuộc vào tài chính và việc in tiền cho cả thế giới dùng.
Tuy chiến lược ứng phó này còn chưa rõ ràng, nhưng Mỹ biết rõ những nguy cơ mà mình đang đối mặt. Và mục tiêu lý tưởng nhất của Mỹ vẫn là: vừa giữ được đồng USD là tiền tệ toàn cầu, vừa có một nền kinh tế sản xuất mạnh mẽ.
Nhưng nếu trong quá trình tái cấu trúc đó, USD yếu đi hoặc mất niềm tin, thì thế giới có thể sẽ tìm đến một loại tiền dự trữ mới, phi tập trung, ví dụ như Bitcoin – đồng tiền không bị phụ thuộc vào chính phủ nào.
BitcoinVN News: Anh mong đợi điều gì trong năm 2025, cả về ngành crypto và công việc của mình?
Anh Tom Howard: Những năm gần đây, ngành crypto có vẻ đã chững lại và trở nên bình thường hơn. Tuy nhiên, khi Bitcoin được các quốc gia công nhận và Mỹ chuẩn bị có khung pháp lý rõ ràng, tôi tin rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn tăng trưởng bùng nổ. Đây là một thời điểm rất đáng kỳ vọng.
Cá nhân tôi đang tập trung vào việc đảm bảo các đạo luật mới ở Mỹ phản ánh đúng giá trị của Bitcoin và tiền điện tử.Đồng thời công ty tôi – CoinList – cũng sẽ tận dụng lợi thế của khung pháp lý mới để cung cấp các sản phẩm tiền điện tử mà thị trường Mỹ đã chờ đợi từ lâu.
Anh Tom Howard hiện là Giám đốc sản phẩm tài chính và chính sách tại CoinList. Anh cũng là một chuyên gia kỳ cựu trong ngành crypto với nhiều năm kinh nghiệm ở các vai trò nhà sáng lập, nhà đầu tư và cố vấn.