Trong tuần qua vào ngày 18/09/2019, BitcoinVN đã vinh dự được tham gia Hội Nghị Đối Thoại Về Khung Pháp Lý Liên Quan Ứng Dụng Công Nghệ Blockchain cùng các đại biểu đại diện cho khối đại biểu từ cơ quan ban ngành nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực Blockchain. Chương trình được tổ chức bởi VCC Exchange là một trong số ít sàn giao dịch tiền mã hóa đầu tiên tại Việt nam.
Nhận thấy đây là cơ hội để các bên liên quan có thể bàn luận công khai giữa các bên hữu quan có thể hiểu và hợp tác đóng góp cho tiến trình phát triển cơ chế pháp lý về công nghệ Blockchain, tiền mã hóa hay tài sản số nhằm tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng nhận thức cho các nhà đầu tư trong nước. Về phía BitcoinVN, tham dự bao gồm Giám Đốc Kỹ Thuật Tomo Huynh, đồng sáng lập của công ty chúng tôi và ông Johnny Phan – Phụ trách tiếp thị.
Bắt đầu hội nghị trong phiên làm việc buổi sáng, chúng tôi được lắng nghe từ phía Ngài Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu về việc đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, các bước đi đầu tiên là đảm bảo việc sớm có được khung pháp lý, điều này cần phải được cụ thể và chính xác, ông cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp nhiều hơn để từ đó có thể đưa ra các khung pháp lý cụ thể, tránh lúng túng, gây khó khăn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Và Thứ trưởng cũng bày tỏ ý tiếc nuối việc trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phải ra nước ngoài để khởi nghiệp và hoạt động.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội cũng nhận định rằng, vừa qua, Blockchain là trong số các lĩnh vực kinh doanh ứng dụng công nghệ cao mà Thành đoàn Hà Nội đặc biệt lưu ý phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân đang ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán và hợp đồng thông minh để có những hỗ trợ nhất định. Vì đây là lĩnh vực công nghệ mới với tiềm năng thay đổi căn bản nhiều lĩnh vực kinh tế như thanh toán điện tử, chuyển tiền xuyên quốc gia, nông nghiệp, giao thông vận tải, giao vận, hậu cần… Các đặc tính ẩn danh, không thể thay đổi, bảo mật và tự động hoá cao của công nghệ chuỗi khối hứa hẹn một tương lai mới cho nhiều lĩnh vực kinh doanh nói riêng và toàn bộ nền tảng internet nói chung. Tuy nhiên, đã có rất nhiều sự dè dặt trong việc áp dụng vì cơ chế pháp lý cũng chưa rõ ràng.
Về phía Ủy Ban Chứng Khoán Quốc Gia, Ngân Hàng Nhà Nước và Tổng Cục Thuế cũng đã có những thuyết trình quan trọng trong việc nhận ra mối tương quan giữa việc không có một khung pháp lý rõ ràng cho công nghệ mới này sẽ khó mà mang lại những hoạt động hiệu quả cho các bên liên quan.
Nhận thấy Việt Nam là quốc gia có dung lượng đầu tư vào công nghệ Blockchain qua các sàn giao dịch tiền mã hóa đứng thứ 8 trên thế giới, top 5 tại các sàn giao dịch lớn như Binance hay theo dõi Coinmarketcap. Tiềm năng lớn nhưng đã bỏ ngỏ nhiều rủi ro ảnh hưởng một cách vĩ mô khi đã có khá nhiều dự án ICO, IEO và STO được tạo ra dưới dạng công nghệ Blockchain bị thất bại khiến nhiều nhà đầu tư bị mất tiền, bên cạnh mô hình MLM hay Ponzi Scheme đã lợi dụng khá nhiều khe hở về luật pháp cho mục đích lừa đảo nhà đầu tư với quy mô lớn trên cả nước.
Chúng tôi đã nêu ra vấn đề trên như là một nội dung quan trọng để các tổ chức ban ngành từ chính sách công cho đến các doanh nghiệp tư nhân đã hoạt động lâu năm cùng bàn luận, ý thức về hệ lụy có thể xảy ra nếu chúng ta không nhanh chóng thành lập một ùy ban chuyên biệt để thực hiện điều này.
Từ đầu những năm 2015 cho đến nay, không chỉ có ngành Blockchain mà cả mô hình kinh tế chia sẻ như Grab, Uber trực chiến với mô hình kinh doanh truyền thống là Taxi, hay Airbnb, Agoda, RedDoorz cạnh tranh với mô hình khách sạn truyền thống. Chính điều này đã phải tác động đến thị trường, bắt buộc khối nhà nước phải nhanh chóng đáp ứng kịp thời những khả năng soạn thảo luật pháp và tạo ra hành lang pháp lý với tên gọi Sandbox. Được đưa ra thảo luận khá nhiều từ phiên làm việc buổi sáng cho đến buổi chiều, chúng tôi đã có một ngày dài để nói về ai sẽ là người chịu trách nhiệm nghiên cứu chi tiết và thực hiện việc tạo ra cơ chế pháp lý bằng Sandbox này. Và tại sao hành lang pháp lý Sandbox lại quan trọng như vậy?
Sandbox được hiểu như là cách chúng ta đưa khung pháp lý vào cơ chế tự động có ứng dụng của các phần mềm tiên tiến để giúp cho các nhà phát triển ứng dụng phần mềm, nền tảng số có thể tư duy sáng tạo mà không vượt qua ranh giới của pháp luật hiện hành gây ra ảnh hưởng đến với hoạt động chung của một loại ngành nghề.
Nếu không có một cơ chế pháp lý như Sandbox, có thể sẽ làm cho các ý tưởng startup công nghệ phải bỏ cuộc hoặc rời đi. Lâu dài, chúng ta tự đi lùi so với sự phát triển của thế giới.
Tham gia thảo luận trong phiên làm việc buổi chiều, đại diện của BitcoinVN đã đưa ra câu hỏi trực tiếp đến Ủy Ban Chứng Khoán và Ngân Hàng Nhà Nước quanh vấn đề làm sao để xây dựng được nhận thức và phân phối kiến thức đến nhà đầu tư trong nước, trong khi nguy cơ mất tiền trong những dự án “ma” rất cao nếu họ không có đủ thông tin trang bị. Làm sao để nhà đầu tư tự bảo vệ? – Đại diện Ủy Ban Chứng Khoán cấp nhà nước đã đồng ý với việc nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều nguy cơ từ phía thiếu sự quản lý, giám sát và khung pháp lý rõ ràng.
Với những quốc gia đã sớm thực hiện khung pháp lý, các sản phẩm công nghệ và dịch vụ mới bắt buộc ra đời đã đóng góp vào hệ sinh thái Blockchain với mục đích bảo vệ người tham gia qua sự phát triển của công nghệ ví, ra đời dịch vụ bảo hiểm tài sản số, bắt buộc các sàn giao dịch tiền mã hóa phải nghiêm túc thực hiện các phương thức KYC, AML hiệu quả giúp phòng tránh những rủi ro đáng kể cho nhà đầu tư.
BitcoinVN đã sớm nhận thức được điều này trong những lần chúng tôi có cơ hội gặp gỡ các sản phẩm công nghệ mới tại các quốc gia đã phát triển nhằm nối kết những giá trị tốt đẹp về công nghệ, nếu có thể, áp dụng ngay cho những đối tác mà chúng tôi làm việc tại Việt Nam. Về các sản phẩm của BitcoinVN, đã từ lâu, chính vì yếu tố tuân thủ luật pháp mà doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi còn dè dặt khá nhiều. Thậm chí các sản phẩm ra đời bởi BitcoinVN cho đến nay, chúng tôi phải cẩn thận trong các bước chuyển mình trong những thay đổi của thị trường, nhưng phải bảo đảm hoàn toàn việc tuân thủ pháp luật, bằng bằng cách đối chiếu và áp dụng khung pháp lý phổ biến hiện nay trên thế giới để tránh hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật.
Đồng ý với kiến nghị của ông Đào Minh Tùng – CEO của VCC Exchange, đại diện đã tổ chức chương trình rằng nếu không có một đại diện chuyên biệt nghiên cứu về khung pháp lý. Các doanh nghiệp tư đang hoạt động trong lĩnh vực sẽ cùng hợp tác và đóng góp vào những nội dung, các hiến kế sẽ được tổng hợp, soạn thảo sao cho phù hợp với chỉ thị và pháp luật hiện hành của nhà nước. Bao gồm các hoạt động như cấp phép, quản lý, tiếp nhận các báo cáo, kết nối các công ty với nhau và với các cơ quan quản lý khác.
Các cơ chế cần được nghiên cứu để tạo khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, an toàn, minh bạch về blockchain và tài sản số. Bên cạnh đó, thí điểm và tiến tới công nhận, hợp pháp hóa tài sản số, quyền sở hữu tài sản số và các giao dịch dựa trên tài sản số. Đồng thời các doanh nghiệp tư vấn cần nghiên cứu các thông lệ quốc tế về quản lý nhà nước đối với các loại tiền mã hóa của một số nước trên thế giới và xây dựng khung pháp lý về tiền kỹ thuật số.
Kết quả của các vấn đề được bình luận, các phương án được đề xuất để thử nghiệm bao gồm 4 chương trình: đăng ký dịch vụ sáng kiến tài chính, chỉ định dịch vụ sáng kiến tài chính, chính sách cho các đơn vị được chỉ định và nhanh chóng chứng thực chính sách.
Sau khi kết thúc chương trình, các doanh nghiệp tư đang hoạt động trong lĩnh vực Blockchain đã đề xuất là sẽ hiến kế những nội dung hỗ trợ cho Quý đại diện khối nhà nước, nếu cần, để mau chóng hoàn thiện khung pháp lý minh bạch. Mong rằng, BitcoinVN cũng sẽ đóng góp một phần nhỏ, đồng thời xây dựng kênh thông tin hữu ích và chính thống để giúp nhà đầu tư tiếp cận được các thông tin an toàn.